www.nuibavi.com

Nuibavi
Tin tức

Du lịch Ba Vì tiềm năng lớn nhưng chưa phát triển mạnh

Du lịch Ba Vì tiềm năng lớn nhưng chưa phát triển mạnh
Ba Vì là huyện của Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch nhờ lợi thế tự nhiên. Tuy nhiên, do đại phương còn thiếu quy hoạch nên các nhà đầu tư “e ngại” chưa dám mạnh bạo đầu tư có chiều sâu.
Cách trung tâm Hà Nội 60 km về phía Tây, Ba Vì là một vùng địa linh nhân kiệt thuộc xứ Đoài, địa danh được biết đến gắn liền với truyền thuyết  huyền thoại “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.
 
Nơi đây tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc như đình, chùa, đền, miếu… với hơn 300 di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như Đình Tây Đằng, Đình Thuỵ Phiêu, Đình Thanh Lũng…  
 
Vùng đất này có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống Kinh , Mường, Dao hình thành một bề dầy sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc như cồng chiêng, hát ru, ném còn… của dân tộc Mường,  múa Chuông, tết Nhẩy của đồng bào dân tộc Dao.
 
Ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND dân huyện Ba Vì cho biết: Bên cạnh bề dày văn hoá mang đậm nét Việt cổ (văn hoá Việt - Mường), Ba Vì còn được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hoang sơ của sông, suối, núi, rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú rất thích hợp với phát triển du lịch sinh thái.
 
Quanh Núi Ba Vì, hồ Suối Hai đã hình thành các khu du lịch nổi tiếng được du khách biết đến như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh Suối Tiên, Ao Vua, Thác Đa, Thiên Sơn Thác Ngà, Đầm Long- Bằng Tạ, Đồi Cò- Ngọc Nhịm Tản Đà Resort, nước khoáng nóng Thuần  Mỹ… Đặc biệt, quần thể di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ trên núi Tản Viên là điểm đến của du khách về du lịch văn hoá, bản sắc dân tộc và du lịch tâm linh. Đây là những điểm du lịch hấp dẫn, giúp chúng ta tìm hiểu về những giá trị văn hoá Việt cổ và cội nguồn dân tộc.
 
Có thể nói, vùng đất thiêng sông núi đã mang lại cho Ba Vì tiềm năng to lớn. Trong tương lai, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, góp phần xây dựng hình ảnh huyện Ba Vì và thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, đậm đà nét truyền thống dân tộc.
 
Ông Tiến cho biết, Ba Vì được đánh có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn nhưng do địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều là nguyên nhân khiến du lịch phát triển chưa đúng khả năng của địa phương. 
 
Thực tế hiện nay tại các xã miền núi còn đang gặp rất nhiều khó khăn về giao thông và các hạ tầng xã hội khác. Do mặt bằng chung cơ sở hạ tầng còn thiếu, xây dựng manh mún và đã xuống cấp qua năm tháng chưa được tái đầu tư xây dựng. Những yếu tố trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch của địa phương.
 
Ông Tiến cũng cho rằng, du lịch Ba Vì chưa phát triển mạnh và có chiều sâu còn do các doanh nghiệp làm du lịch ở đây chưa có sự gắn kết, liên doanh, liên kết trong quá trình tạo thương hiệu và xây dựng sản sản phẩm du lịch để phục vụ tốt hơn đòi hỏi của du khách tham quan. 
 
Chính vì tư duy kinh doanh còn manh mún dẫn đến đầu tư không có quy hoạch dài hơi. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ yêu dựa vào khai thác những thứ có sẵn từ thiên nhiên. Việc tác động quá nhiều vào thiên nhiên làm giảm tác dụng của sinh thái, môi trường… gây phản cảm cho du khách.
 
“Thời gian tới du lịch Ba Vì sẽ được nâng lên một tầm cao mới khi thành phố Hà Nội triển khai lập các quy hoạch chung, nhất là các quy hoạch du lịch để có cơ sở công bố các dự án thu hút đầu tư. Nếu được đầu tư đúng hướng vào các khu du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì, nhất là chú trọng thu hút đầu tư từ những dự án đạt chất lượng quốc tế tại các nơi giàu tiềm năng như Suối Hai, Vườn quốc gia Ba Vì, cụm Di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ… Xây dựng Ba Vì gắn liền với du lịch văn hoá dân tộc, du lịch sinh thái và văn hoá tâm linh. Quảng bá, nâng cấp lễ hội văn hoá Tản Viên Sơn của địa phương trở thành lễ hội vùng. Du lịch Ba Vì sẽ cất cánh cùng với sự phát triển chung của thành phố” ông Tiến cho biết./.