www.nuibavi.com

Nuibavi
Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật chăm sóc cây Hoa Lily

Kỹ thuật chăm sóc cây Hoa Lily
Hoa lily là loài hoa đẹp, có dạng loa kèn được mọi người rất ưa chuộng bởi nét đẹp cao quý, sang trọng và quyến rũ. Giống hoa này được trồng chủ yếu ở các nước ôn đới, đặc biệt là Hà Lan. Ở Việt Nam, hoa lily được trồng quanh năm và phát triển tốt ở các vùng núi cao như Đà Lạt (Lâm Đồng), Sập (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ngoài ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Bình có thể trồng vào vụ đông. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cách trồng và chăm sóc hoa lily để có được những chậu lily đẹp
1, Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Hoa Lily:
 
1.1 Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:
Luôn phải giữ ẩm cho giá thể trong suốt quá trình trồng Tưới cây ở phần gốc, tránh làm lá và nụ bị ướt Kinh nghiệm kiểm tra lượng nước tưới vừa đủ: Bóp chặt 1 nắm giá thể sau khi tưới, không thấy nước rỉ ra ngoài tay, giá thể không bị tơi ra.

 
1.2 Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:
Thường xuyên theo dõi, cắt bỏ bớt cành lá khô, sâu bệnh, tạo dáng đẹp cho cây.

 
1.3 Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Hoa Lily:
Sau trồng 3 tuần (cây lily cao 15 – 20cm) thì tiến hành bón thúc. Sử dụng phân Đầu Trâu có thành phần N-P-K (20-20-15+ Te) pha loãng 1kg/250 lít nước hoặc để tưới cho 600 chậu 3 cây (100 m2). Định kỳ 5-7 ngày/1 lần. Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng hoa, khi cây đã mở lá (20 – 25 ngày sau trồng) có thể phun một số phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng như: Atonik, Đầu Trâu (502, 901, 902), phun định kỳ 5 – 7 ngày/lần.

 
2, Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Hoa Lily:
Bệnh thối củ, vảy củ (Fusarium): Cây ngừng sinh trưởng, bộ lá xanh nhợt đi. Trên vảy củ và phần dưới thân cây sát củ xuất hiện chấm màu nâu, những chấm này sẽ phát triển rộng làm thối củ.

Phòng trừ bệnh: Trồng luân canh với cây trồng khác họ. Khi mới chớm bệnh có thể dùng Daconil 75WP tưới vào gốc cây với liều lượng 10g/8 lít nước; Anvil 10-15g/8lít nước. Nếu bệnh nặng hơn nên nhổ bỏ cây bệnh tránh lây sang các cây khác.


Bệnh cháy ngọn (cháy lá): Bệnh xuất hiện khi nụ hoa chưa nở. Trước tiên, đầu lá non cuốn vào bên trong, sau mấy ngày trên phiến lá xuất hiện các vết ban từ màu xanh vàng sang màu trắng.

Phòng trừ : Chọn những giống ít mẫn cảm với bệnh cháy lá, không nên trồng củ có kích thước lớn. Đảm bảo độ ẩm đất, trồng sâu vừa phải (mặt trên củ giống nên cách mặt đất 6-10cm). - Ở giai đoạn phân hoá hoa, giai đoạn mẫn cảm nhất, giữ cho nhiệt độ, độ ẩm không bến động lớn, tốt nhất là duy trì độ ẩm khoảng 75%, che nắng để giảm bớt bốc hơi nước.


Bệnh teo, rụng nụ: Nụ có màu xanh nhạt, dần dần chuyển màu vàng, lúc này tại cuống nụ xuất hiện tầng rời và làm rụng nụ hoa.

Phòng trừ: Chiếu sáng đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng, nước tưới, cải tạo đất...

Bệnh thiếu sắt (Fe): Phần giữa gân lá chuyển vàng, xuất hiện tập trung ở phần đỉnh ngọn. Cây bị thiếu Fe nặng có thể dẫn đến đỉnh ngọn chuyển màu trắng.


Phòng trừ: Dùng Fe-EDTA (9% Fe) hoặc Fe – EDDHA (6% Fe) phun lên lá. Ngoài ra cũng có thể sử dụng các loại phân bón lá giàu Fe để phun.

Bệnh lá bao hoa: Biểu hiện là cánh hoa không phát triển bình thường mà phát triển dị dạng, biến đổi thành dạng lá uốn cong, màu xanh bao bên ngoài nụ hoa, làm giảm chất lượng hoa.

Phòng trừ: Tránh để nhiệt độ và ẩm độ trong nhà trồng biến đổi đột ngột; cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây; tránh để cho cây sinh trưởng quá nhanh (bằng cách giảm nhiệt độ đất giai đoạn đầu sau trồng)…
 
Trích nguồn Intenert



---------------------------------------------------------------------------------------------------
 
Lưu ý: Thông tin được cung cấp trên Chuyên mục “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây” chỉ để Tham Khảo, Các bài viết kỹ thuật chăm sóc cây này được chúng tôi sưu tầm, cập nhật từ các bài báo, internet và các trang web nông nghiệp có uy tín, mong muốn giúp người trồng cây tham khảo để có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi trồng và chăm sóc cây giống. Nuibavi.com không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về những thông tin được cung cấp trên đây.