www.nuibavi.com

Nuibavi
Đình - Đền - Chùa

Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh

Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh
Được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008, Khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ).
Đền nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh - vị thần đứng đầu trong bốn vị thần "bất tử" của Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử) và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công).
 
Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo gồm ba gian, hai chái, một nửa mái sau đền là vách đá. Hai bên tường hồi có hai vòng tròn sắc không đối diện nhau, mô phỏng biểu tượng của nhà Phật.
 
Đền Trung tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì cũng không rõ năm xây dựng. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam, phỏng theo quẻ Càn trong Kinh dịch, biểu tượng của sự bền vững. Hậu cung của đền đặt ba pho tượng Tam vị Đức Thượng đẳng. Đây là ngôi đền có vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì.
 
Theo Ngọc phả "Sự tích Đức Thánh Tản" lưu giữ tại đền Và, thì đầu thế kỷ 18 đã có đền Hạ.
 
Đền có ba dãy nhà ngang với nhiều hạng mục lớn như cổng tam quan, đại bái, tiền tế, hậu cung, nhà thờ Mẫu. Đền Hạ có hai pho tượng Hộ pháp dáng oai phong, tay cầm giáo trấn giữ hai bên. Trên mái cổng Tam quan có lưỡng long chầu nguyệt, hai tầng, tám mái đao cong, lợp ngói ri.

Về truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh
 
Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Tản Viên còn được gọi là Sơn Tinh. Ông lấy công chúa Ngọc Hoa, con Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18). Cuộc hôn nhân này đã đưa đến mối thù truyền kiếp: Đó là cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sơn Tinh còn giúp Vua Hùng đánh giặc. Thần núi Tản Viên là một trong bốn vị thần "bất tử" trong thần thoại Việt Nam. Ông đi khắp mọi nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống như:
 
Dạy dân làm ra lửa

Ở huyện Ba Vì, lúc ấy đang sống trong cảnh tối tăm, lạnh lẽo. Dân chưa có lửa mà cũng không biết lấy lửa vì nơi đây còn là đất hoang, cây cối mọc thành rừng. Đêm nằm Sơn Tinh nhìn thấy những bụi giang, bụi nứa khô hanh gặp gió núi, cọ sát vào nhau và tự bật ra lửa. Hôm sau, Sơn Tinh đã gọi một cụ già thổ dân lại và cùng với ông già lấy hai ống giang già cọ sát vào nhau và lấy nắm rơm rạ để châm lửa. Lửa có từ ngày đó.

Dạy dân làm ruộng và mở hội
 
Ở xã Liệt Tuyết, huyện Quốc Oai, đất đai màu mỡ nhưng bị ngập nước. Thần đưa ra một nắm hạt giống, dạy cho mọi người cách chọn, cách gieo. Khi mạ lên xanh, thần nhổ lên đem trồng ở các bãi phù sa. Thần xuống cấy để cho mọi người bắt chước rồi thần từ biệt ra đi. Khi lúa chín, thần quay trở lại dạy cho dân làng cách múa hát và dặn cứ thu hoạch xong thì mở hội như thế mà mừng được mùa.
 
Dạy dân săn bắn
 
Ở núi Ba Vì (Tản Viên) lúc bấy giờ có một đám đông chạy theo con thú ném đá, quăng lao, hò reo đuổi bắt nó mãi mà không được. Sơn Tinh liền gọi mọi người lại dạy cho cách săn bắn. Thần chỉ cho cách làm hầm gài tên, căng lưới để vây các loại thú. Phường săn biết dùng lưới đi săn từ lúc ấy.
 
Dạy dân kéo vó
 
Một lần đi qua vùng sông Hồng nước mênh mông, thấy dân chúng chỉ biết mò cá và úp cá, rất vất vả, Sơn Tinh bày cách cho họ kiếm dây để đan vó có cần, vó có trục, vó có dây kéo. Nghề kéo vó từ đấy mới hình thành và phát đạt. Nhớ Sơn Tinh, dân có tục đánh cá thờ. Cá đánh được phải chọn con to nhất, góp làm cỗ cúng đức Thánh Tản.
 
Dạy dân luyện võ
 
Những ngày chiến đấu với Thủy Tinh, Sơn Tinh đã dạy cho dân chúng võ nghệ, cả phép đánh dưới nước và đánh trên bờ. Để tưởng nhớ Sơn Tinh, vùng Thanh Thủy (Phú Thọ) và Ba Vì có tục bơi thuyền rước quân, đấu vật và mở hội Chém May. Những trai tráng được kén vào hàng võ sĩ tay trái cầm thuyền giấy đỏ, tay phải cầm con dao dài múa theo nhịp trống. Họ phải chém sao cho ngọt, chỉ một nhát là đứt ngang cây chuối. Đó là lễ cung nghinh Thánh Tản và người dân tin rằng "Chém May" mà thực hành tốt đẹp thì năm đó mùa màng tươi tốt.
 
Dạy dân dệt lụa
 
Người dạy dân dệt lụa là Ngọc Hoa, vợ của Sơn Tinh. Nàng đã dạy người dân vùng đất bãi sông Thao, sông Hồng ươm tơ, dệt lụa, dệt ra những tấm the đẹp nhất để tiến Vua Hùng. Hàng năm, làng lại tổ chức ngày hội thi chọn lụa tốt tiến vua và trình làng lĩnh thưởng.
 
Dạy dân múa hát
 
Theo truyền thuyết, khi Thánh Tản Viên rước công chúa Ngọc Hoa về quê mình, đi giữa đường Ngọc Hoa không chịu đi nữa. Dân làng kéo ra cùng Sơn Tinh khuyên dỗ, ca hát, cười múa cho Ngọc Hoa khuây khỏa. Ngọc Hoa hòa mình vào đám múa hát, dạy dân thêm nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa. Tục rước chúa trai chúa gái, trò diễu bách nghệ khôi hài đến nay vẫn còn là có nguồn gốc từ cuộc rước Ngọc Hoa về núi Tản Viên. Trò này có ở nhiều làng. 
 
Ở làng Hy Cương tổng Xuân Lũng nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, lễ hội tổ chức từ ngày 30/12 đến ngày 8/1, trong đó có rước voi mã tượng trưng cho quân tướng của Sơn Tinh đi đón Ngọc Hoa./.